Áp lực đồng trang là gì? Cách để vượt qua áp lực đồng trang lứa

Peer Pressure – Áp lực đồng trang lứa là cụm từ quen thuộc thường xuyên được nhắc đến trong thời gian gần đây. Những hình mẫu lý tưởng, những bạn trẻ vượt khó đạt được thành công càng xuất hiện rộng rải trên các diễn đàn và trang mạng xã hội. Kèm theo đó là những sự so sánh gay gắt của xã hội khiến cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ rơi vào tình trạng áp lực. mặc cảm, suy sụp trước “con nhà người ta”

Áp lực đồng trang lứa là gì?

Áp lực đồng trang lứa (tiếng Anh: Peer pressure) là hiện tượng một cá nhân bị ảnh hưởng bởi bạn bè, bạn học hay đồng nghiệp cùng độ tuổi khiến họ ngầm so sánh bản thân với những người xung quanh, từ đó dẫn đến sự thay đổi về hành động, mục tiêu và giá trị nhằm được công nhận.

Theo nghiên cứu khóa học thực tế, áp lực đồng trang lứa có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở thanh thiếu niên và thanh niên. Đây là giai đoạn mà các bạn trẻ đang phát triển về tâm sinh lý, dễ bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh.

Biểu hiện của áp lực đồng trang lứa là gì?

Tùy vào lứa tuổi và cách suy nghĩ ở mỗi giai đoạn, tình trạng áp lực đồng trang lứa sẽ có những biểu hiện khác nhau. Nhìn chung, khi bạn tự so sánh hoặc người khác so sánh bản thân bạn với người đồng trang lứa; nguy cơ bạn bị ảnh hưởng tiêu cực từ peer pressure là rất cao.

Những biểu hiện thường thấy khi bạn bị Peer pressure:

  • Mất ngủ vì suy nghĩ quá nhiều.
  • Sa sút trong học tập và công việc.
  • Luôn so sánh mình với người khác.
  • Cảm thấy tự ti và không tin vào khả năng của bản thân.
  • Tự trách bản thân vì không cố gắng để được như các bạn.
  • Cố gắng thể hiện bản thân rằng mình không thua kém người khác.
  • Cạnh tranh không lành mạnh, gây áp lực tinh thần rằng mình phải giỏi nhất.
  • Luôn chịu một loại áp lực mang tên “phải cố gắng hơn nữa, hơn nữa”. Và đây là nguy cơ khiến một cá nhân dễ rơi vào trạng thái kiệt quệ (burn-out).

Nguyên nhân dẫn đến áp lực đồng trang lứa

Nhiều cha mẹ thắc mắc rằng, tại sao một đứa trẻ phải chịu áp lực đồng trang lứa? Lý do là vì trẻ em mong muốn được yêu thích và trẻ thường nghĩ rằng đáp ứng kỳ vọng của bạn bè sẽ giúp hòa nhập tốt hơn.

Bên cạnh đó, nỗi lo của các bé là sợ bạn bè trêu chọc khi chúng không tương đồng với nhóm. Thành thử, chúng phải đi cùng với nhóm; hoặc phải học cách thực hiện các hành vi giống với nhóm.

Một số nguyên nhân khác:

Ảnh hưởng từ định kiến xã hội: Nhất là ở các nước phương Đông, người lớn ở thế hệ trước thường xuyên tạo áp lực cho các con bằng quan niệm “con nhà người ta”.

Ảnh hưởng từ mạng xã hội: Đây là nơi thường xuyên đưa tin và đề cao những người thành công về tiền bạc; địa vị; ngoại hình,..

Chưa thấu hiểu bản thân: Về bản chất, những ai chưa thấu hiểu bản thân sẽ thường xuyên tự ghen tị, so sánh bản thân thấp hơn người khác,… Lý do là vì các em chưa có trải nghiệm sống; cũng như là chưa biết bản thân muốn gì.

Trong khi đó, mỗi người trong chúng ta sẽ có mục tiêu và tốc độ phát triển khác nhau. Nhưng ngặt nỗi, cũng chính chúng ta lại tự tạo áp lực cho bản thân bằng cách tự so sánh; tự đánh giá thấp chính mình; hay thậm chí là đặt kỳ vọng chưa phù hợp cho bản thân.

Biểu hiện của áp lực đồng trang lứa

1. So sánh bản thân với người khác

So sánh bản thân với người khác là một hành vi tự nhiên của con người, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Khi thấy bạn bè mình có những điểm tốt hơn, chúng ta thường cảm thấy tự ti và muốn thay đổi bản thân để được như họ. Sự so sánh có thể xảy ra ở mọi khía cạnh của cuộc sống, từ ngoại hình, học tập, công việc, đến sở thích, lối sống. Ví dụ như một bạn học sinh luôn cảm thấy bạn bè của mình xinh đẹp, học giỏi và được nhiều người yêu quý hơn mình.

2. Cố gắng thay đổi bản thân để phù hợp với nhóm

Khi cảm thấy bị áp lực phải hòa nhập với nhóm, chúng ta có thể cố gắng thay đổi bản thân để phù hợp với những tiêu chuẩn của nhóm. Điều này dễ dẫn đến việc ta tự mình đánh mất những giá trị bản thân.

Ví dụ, một bạn học sinh có thể cố gắng thay đổi sở thích, phong cách ăn mặc, hay cách nói chuyện để phù hợp với nhóm bạn. Hay một bạn trẻ có thể cố gắng thay đổi công việc, lối sống, hay quan điểm sống để phù hợp với những người xung quanh.

3. Làm theo ý kiến của người khác

Khi cảm thấy bị áp lực phải làm theo ý kiến của người khác, chúng ta có thể sẵn sàng làm bất cứ điều gì để được chấp nhận. Điều này có thể khiến chúng ta mất đi sự tự do và độc lập của bản thân.

Ví dụ, một bạn học sinh có thể làm theo ý kiến của bố mẹ để chọn trường đại học, chọn ngành học, hay chọn nghề nghiệp.

Áp lực đồng trang lứa – Tốt hay xấu?

Nhiều người thường có sự định kiến về áp lực đồng trang lứa, họ cho rằng đây là một trong những điều tồi tệ gây nên các gánh nặng to lớn đối với con người. Tuy nhiên, trong thực tế, tình trạng này vẫn tồn tại 2 mặt tích cực và tiêu cực mà chúng ta cần phải nhìn nhận thật rõ ràng.

1. Áp lực đồng trang lứa mang đến những điều tích cực

Áp lực đồng trang lứa thực chất là một con dao hai lưỡi bởi ở một mức độ vừa phải và đúng đắn thì đây có thể được xem là động lực tích cực để thúc đẩy con người phấn đấu, cố gắng nhiều hơn nhằm phát triển bản thân một cách toàn diện. Đôi khi nhờ vào những áp lực đó mà nhiều người dần vượt qua được giới hạn của chính mình, tìm kiếm được những tiềm năng của bản thân để có thể đạt được nhiều thành hơn trong cuộc sống.

Nhiều người thường nói rằng, có áp lực mới có kim cương. Hiểu theo cách đơn giản đó chính là phải có những áp lực, mục tiêu cần đạt được bạn mới thực sự phấn đấu và nỗ lực để trở thành phiên bản xuất sắc hơn của bản thân. Đặc biệt là đối với những người có thói quen lười biếng, thường xuyên trì hoãn các công việc của thân thì Peer Pressure chính là nguồn động lực to lớn để học có thể dần bước ra được vùng an toàn của chính mình và trở nên tốt hơn.

Chính nhờ vào những sự thôi thúc và những đích đến to lớn ấy mà nhiều người có thể cố gắng nhiều hơn để hoàn thành những ước mơ, mục tiêu và khát vọng của chính mình. Nhờ có áp lực mà con người mới ý thức rõ hơn về giá trị cốt lõi của bản thân, không ngừng nỗ lực, phấn đấu để trở nên tốt đẹp.

2. Ảnh hưởng xấu từ áp lực đồng trang lứa

Tuy nhiên, nếu chúng ta không biết cách đón nhận và xử lý tốt thì áp lực đồng trang lứa sẽ trở thành công cụ nguy hiểm đè nặng lên cuộc sống của mỗi người. Đây có thể được xem là ngọn đá khổng lồ ngăn cản việc bạn phát triển và tìm đến những sự thành công, đồng thời nó còn tác động nghiêm trọng đến đời sống tinh thần và những sinh hoạt hàng ngày của bạn.

Nếu không biết cách đối mặt tốt với Peer Pressure thì nhiều khả năng bạn sẽ phải gánh chịu những tác hại tiêu cực như:

  • Áp lực tăng cao và luôn ám ảnh tâm trí của bạn sẽ thôi thúc việc bạn phải hành động nhanh chóng, vội vàng và thiếu sự suy xét kỹ lưỡng dẫn đến những hậu quả khôn lường, điều này càng khiến cho bạn phải chịu đựng nhiều sự thất bại liên tiếp trong cuộc sống.
  • Áp lực đồng trang lứa khiến cho chúng ta dần mất đi sự tự tin vào chính bản thân mình, lâu dần bạn sẽ trở thành một người tự ti, mặc cảm, thiếu tự trọng và xem thường các giá trị của bản thân.
  • Khi các suy nghĩ tiêu cực xâm chiếm lấy hành vi, cảm xúc của bạn sẽ khiến bạn không còn là chính mình, đôi lúc sẽ có những suy nghĩ, hành động không phù hợp và đúng đắn.
  • Peer Pressure làm gia tăng nguy cơ trầm cảm ở nhiều đối tượng khác nhau. Họ sẽ thường xuyên rơi vào trạng thái buồn chán, ủ rũ, mệt mỏi, suy nghĩ tiêu cực và không còn hứng thú với bất kỳ hoạt động nào xảy ra xung quanh đời sống hàng ngày.
  • Những người bị áp lực đồng trang lứa kéo dài sẽ có nguy cơ trở thành tệ nạn xã hội. Họ có xu hướng tìm đến các chất độc hại như rượu bia, thuốc lá, ma túy,…để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực của chính mình.
  • Một số người hình thành suy nghĩ lệch lạc, có xu hướng ganh tỵ, thù ghét những người thành công và tài giỏi hơn mình nên có khả năng sẽ đe dọa, làm tổn thương đến những người đó.
  • Các mối quan hệ có thể bị đe dọa nghiêm trọng. Nhiều người thường xuyên bị đem ra so sánh với anh chị em trong gia đình khiến cho có xu hướng ghét bỏ và muốn loại bỏ, tránh xa các mối quan hệ khiến họ phải chịu nhiều áp lực.

Áp lực đồng trang lứa ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực còn phải tùy thuộc vào cách bạn nhìn nhận và xử lý nó. Trong cuộc sống có muôn vàn điều khó khăn và bạn không thể nào ngăn chặn hay thay đổi các quan điểm của những người xung quanh. Do đó, hãy cố gắng và tập trung vào việc rèn luyện, trau dồi kỹ năng và bản lĩnh cho chính mình để có thể biến áp lực thành động lực giúp bản thân càng trở nên tốt đẹp hơn.

Cách vượt qua áp lực đồng trang lứa 

Áp lực đồng trang lứa có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn ngay lúc này. Chính vì vậy, để buông bỏ bớt gánh nặng từ peer pressure bạn cần:

1. Học cách hiểu bản thân

Học cách hiểu bản thân hay yêu bản thân (self-love) là bước đầu tiên để bạn có thể vượt qua các khó khăn nào trong cuộc sống.

Hiểu bản thân là cách để bạn biết đâu là điểm mạnh và điểm yếu; đâu là điểm có thể khắc phục và cải thiện. Để từ đó, bạn không phải lo sợ khi nhìn thấy ai đó làm quá tốt còn mình thì không. Đơn giản là vì bạn đã làm tốt phần của mình.

2. Xây dựng sự quyết đoán

Bản lĩnh quyết đoán của bạn phần nào dựa trên mức độ hiểu bản thân. Nếu bạn đủ hiểu bản thân thì khó lòng mà ai có thể ép bạn làm điều bạn không thích; hoặc không muốn. Vì khi đó, bạn sẽ có đủ lý luận để phản biện và từ chối đối phương một cách thuyết phục.

3. Hãy có hành động cụ thể

Bạn có từng nghe câu qua nói: “You are what you do, not what you say you’ll do – Carl Gustav Jung”. Tạm hiểu là, bạn là những gì bạn làm, chứ bạn không phải là những gì bạn nói bạn sẽ làm.

Hành động hình thành thói quen. Thói quen hình thành tính cách. Và tính cách hình thành nên con người và cuộc đời bạn. Khi đó áp lực đồng trang lứa còn được bạn xem là một nguồn động lực vô hình thúc đẩy bạn hành động.

4. Biết chọn bạn mà chơi

Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ loại áp lực này, bạn có thể phân loại và chọn lọc những thông tin trên mạng xã hội. Bạn có thể ưu tiên chọn theo dõi những người bạn, fanpage có những nội dung lành mạnh, giúp phát triển bản thân,..

Mong rằng bài viết trên đây của Trung tâm Giáo dục Gia Định đã giúp phụ huynh và các em học sinh hiểu hơn về áp lực đồng trang lứa tại Việt Nam. Để vượt qua áp lực đồng trang lứa một cách tích cực, người trẻ cần hiểu rõ về bản thân, tự tin vào năng lực của mình và không ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, nhà trường. Hãy nhớ rằng, mỗi người đều là một cá thể độc đáo và chúng ta không cần phải giống người khác. Điều quan trọng là chúng ta cần tập trung vào việc phát huy những điểm mạnh của bản thân để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.